THÔNG TƯ QUY ĐỊNH VỀ GIÁM SÁT KHAI THÁC, SỬ DỤNG TÀI NGUYÊN NƯỚC

15:40, Thứ Hai, 8-7-2019

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Quy định về giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước tại Thông tư số 47/2017/TT-BTNMT ngày 07/11/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường

          Thông tư này áp dụng cho các cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước ở cấp trung ương và địa phương; các cơ sở sản xuất sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có công trình khai thác tài nguyên nước theo quy định.

          Theo đó, các tổ chức, cơ quan quản lý nhà nước, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có một trong các công trình khai thác tài nguyên nước sau đây phải thực hiện việc giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước: Công trình hồ chứa khai thác nước mặt để phát điện với công suất lắp máy trên 50kW, bao gồm cả công trình thủy lợi kết hợp với thủy điện; Công trình hồ chứa khai thác nước mặt có quy mô trên 0,1m3/giây đối với trường hợp cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản; trên 100m3/ngày đêm đối với trường hợp cấp nước cho các mục đích khác; Công trình cống, trạm bơm và các công trình khai thác nước mặt khác với quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản này có quy mô trên 0,1m3/giây đối với trường hợp cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản; trên 100m3/ngày đêm đối với trường hợp cấp nước cho các mục đích khác; Công trình khai thác nước dưới đất với quy mô trên 10m3/ngày đêm. Tuy nhiên, đối với trường hợp khai thác sử dụng tài nguyên nước của hộ gia đình cá nhân không thuộc đối tượng áp dụng của thông tư này.

          Thông tư quy định, nguyên tắc giám sát phải bảo đảm chính xác, trung thực, khách quan và thuận tiện cho việc khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu về khai thác, sử dụng tài nguyên nước; Bảo đảm tính hệ thống, kịp thời, đầy đủ và liên tục nhằm kiểm soát các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước; Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ thông tin, dữ liệu về mặt không gian và thời gian; giữa trung ương, địa phương và trên từng lưu vực sông; Bảo đảm tính thống nhất giữa yêu cầu về giám sát với hoạt động quan trắc của cơ sở được cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước.

          Hình thức giám sát

Giám sát hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước là việc kiểm soát hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thông qua việc theo dõi số liệu quan trắc của các cơ sở khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Việc giám sát quy định tại Thông tư được thực hiện bằng các hình thức sau đây:

Một là, giám sát tự động, trực tuyến: theo dõi số liệu đo đạc, quan trắc tự động, liên tục được kết nối và truyền trực tiếp vào hệ thống giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước.

Hai là, giám sát bằng camera: theo dõi hình ảnh bằng camera được kết nối và truyền trực tiếp vào hệ thống giám sát.

Ba là, giám sát định kỳ: theo dõi số liệu đo đạc, quan trắc được cập nhật định kỳ vào hệ thống giám sát.

Về nội dung giám sát

Thông tư quy định chi tiết về các Thông số giám sát, Hình thức giám sát, Chế độ giám sát đối với từng loại hoạt động khai thác tài nguyên nước.

Ví dụ: Đối với hoạt động khai thác nước dưới đất.

          - Thông số giám sát gồm: Lưu lượng khai thác; Mực nước trong giếng khai thác; Chất lượng nước trong quá trình khai thác theo quy định; Đối với công trình có quy mô từ 3.000m3/ngày đêm trở lên còn phải giám sát thông số mực nước trong các giếng quan trắc.

          - Hình thức giám sát: tùy vào từng mức lưu lượng khai khác (m3/ngày đêm) thì hình thức giám sát tương ứng sẽ là giám sát tự động, trực tuyến hoặc giám sát định kỳ đối với từng thông số giám sát.

          - Chế độ giám sát: Không quá 01 giờ 01 lần đối với các thông số yêu cầu giám sát tự động, trực tuyến; Không quá 12 giờ 01 lần đối với các thông số giám sát định kỳ và phải cập nhật số liệu vào hệ thống giám sát trước 20 giờ hàng ngày; đối với thông số chất lượng trong quá trình khai thác, thực hiện cập nhật số liệu vào hệ thống giám sát không quá 05 ngày kể từ ngày có kết quả phân tích.

          Hệ thống giám sát

Hệ thống giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước là một hệ thống thống nhất, đảm bảo kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu từ các cơ sở khai thác, sử dụng tài nguyên nước với cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương, bao gồm: Hệ thống thiết bị thu nhận, lưu trữ dữ liệu và phần mềm quản lý, xử lý ở trung ương và địa phương; cơ sở dữ liệu của hệ thống giám sát; thiết bị đo đạc, kết nối, truyền trực tiếp, cập nhật số liệu từ cơ sở có công trình khai thác tài nguyên nước vào cơ sở dữ liệu của hệ thống giám sát.

Trách nhiệm đầu tư, xây dựng hệ thống giám sát

Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm đầu tư xây dựng, lắp đặt thiết bị thu nhận, lưu trữ dữ liệu, phần mềm quản lý, xử lý dữ liệu ở trung ương và cơ sở dữ liệu của hệ thống thiết bị thu nhận, lưu trữ dữ liệu và phần mềm quản lý, xử lý ở trung ương; cơ sở dữ liệu của hệ thống giám sát.

UBND cấp tỉnh có trách nhiệm đầu tư xây dựng, lắp đặt thiết bị thu nhận, lưu trữ dữ liệu ở địa phương.

Cơ sở có công trình khai thác tài nguyên nước có trách nhiệm đầu tư, lắp đặt các thiết bị đo đạc, kết nối, truyền trực tiếp, cập nhật số liệu từ cơ sở có công trình khai thác tài nguyên nước vào cơ sở dữ liệu của hệ thống giám sát.

Thông tư nêu rõ, Thông tin dữ liệu từ hệ thống giám sát là một trong những căn cứ cho hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính trong việc tuân thủ quy định của giấy phép tài nguyên nước và các quy định khác của pháp luật về tài nguyên nước.

Ngoài ra, Thông tư cũng quy định cụ thể về yêu cầu đối với thiết bị thu nhận, lưu trữ dữ liệu và phần mềm quản lý, xử lý dữ liệu; các yêu cầu đối với cơ sở dữ liệu giám sát; yêu cầu đối với thiết bị đo đạc, kết nối, truyền số liệu của cơ sở có công trình;….

Về điều khoản chuyển tiếp, Thông tư quy định, đối với cơ sở đã được cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước trước ngày Thông tư này có hiệu lực (22/12/2017) phải hoàn thành việc lắp đặt thiết bị, kết nối, cung cấp thông tin, dữ liệu về hệ thống giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước trước ngày 31/12/2019.

Đối với giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước đã được cấp mà chưa quy định cụ thể về thông số, hình thức, chế độ quan trắc và cung cấp thông tin, số liệu phục vụ việc giám sát hoặc đã có quy định nhưng chưa phù hợp với quy định của Thông tư này thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép xem xét, quyết định điều chỉnh, bổ sung yêu cầu về quan trắc, giám sát theo quy định của Thông tư này khi điều chỉnh, gia hạn, cấp lại giấy phép. Trường hợp cần thiết thì cơ quan có thẩm quyền cấp phép quyết định việc điều chỉnh, bổ sung quy định về quan trắc, giám sát cho phù hợp với Thông tư này.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22 tháng 12 năm 2017.

Các tin khác

TrANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ TÀI NGUYÊN MÔI TRƯỜNG TỈNH BÌNH DƯƠNG

Trưởng Ban Biên tập: Nguyễn Ngọc Thúy - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường
Địa chỉ: Tầng 09 - Tháp A - Tòa nhà trung tâm Hành chính tỉnh, phường Hòa Phú, Thành phố Thủ Dầu Một
Điện thoại: 0274 3 828035 - Email: sotnmt@binhduong.gov.vn