Xử lý nước thải đô thị trên địa bàn tỉnh

15:3, Thứ Hai, 8-7-2019

Xem với cỡ chữ : A- A A+

      Tỉnh Bình Dương thuộc miền Đông Nam Bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là một trong những tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế đứng đầu cả nước, phát triển nhanh và hiệu quả về công nghiệp. Phát triển công nghiệp kéo theo tốc độ đô thị hoá ngày càng cao đã làm nãy sinh những thách thức về môi trường. Một trong những vấn đề cần giải quyết là tình trạng nước thải sinh hoạt chưa được xử lý đã thải trực tiếp vào nguồn tiếp nhận, gây ô nhiễm các nguồn nước mặt, nước ngầm, đồng thời tác động xấu đến cảnh quan đô thị và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ con người.

       Để cải thiện chất lượng môi trường nước trên toàn tỉnh, Bình Dương đã triển khai Dự án “Cải thiện chất lượng môi trường nước Nam Bình Dương”, được khởi động từ năm 2013 với mục tiêu xây dựng nhà máy xử lý nước thải và mạng lưới thu gom để xử lý nước thải sinh hoạt từ các hộ gia đình nhằm đảm bảo nguồn nước, đảm bảo môi trường tỉnh Bình Dương nói riêng và khu vực đầu nguồn sông Đồng Nai, sông Sài Gòn nói chung.

       Khởi công từ ngày 29/3/2011, nhà máy xử lý nước thải đầu tiên được đặt tại trung tâm khu vực Thủ Dầu Một với công suất giai đoạn 1 là 17.500 m3/ngày, thu gom và xử lý nước thải đô thị trên diện tích 752ha. Đến nay lưu lượng nước thải được thu gom và xử lý tại nhà máy mỗi ngày khoảng 14.000 m3 gần đạt tối đa công suất thiết kế của nhà máy. Dự kiến quý 3 năm 2019 sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng giai đoạn 2, nâng tổng công suất xử lý lên 35.000 m3/ngày đêm.

Năm 2013 - Nhà máy xử lý nước thải khu vực thành phố Thủ Dầu Một

       Đến ngày 30/4/2017,  tiếp bước thành công từ tiểu dự án Thủ Dầu Một, Nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt khu vực Thuận An với công suất 17.000 m3/ngày đêm đã đi vào hoạt động với công nghệ cải tiến, nâng cao được khả năng xử lý, tiến kiệm chi phí vận hành, thu gom và xử lý nước thải đô thị trên diện tích 3.200 ha thuộc địa bàn thị xã Thuận An. Sau gần 2 năm hoạt động, lưu lượng nước thải được thu gom và xử lý hiện nay tại nhà máy khoảng 6.500m3.

Năm 2017 - Nhà máy xử lý nước thải khu vực thị xã Thuận An

       Tiếp theo đó, đầu năm 2019 Nhà máy xử lý thải sinh hoạt khu vực Dĩ An với công nghệ tương tự như ở tiểu dự án Thuận An, công suất thiết kế 20.000 m3/ngày đêm nhằm nâng cao khả năng tiếp nhận và xử lý nước thải của khu vực. Đến nay, mỗi ngày nhà máy xử lý được 5.000 m3 nước thải đô thị phát sinh trên địa bàn.

Năm 2019 - Nhà máy xử lý nước thải khu vực thị xã Dĩ An

       Nhìn chung, sau hơn 06 năm vận hành các Nhà máy xử lý nước thải đã góp phần xử lý một lượng lớn nước thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh Bình Dương, hạn chế phát sinh phản ánh về ô nhiễm môi trường trong dân cư đô thị, cải thiện chất lượng nước mặt đáng kể đối với khu vực các huyện, thị xã, thành phố phía Nam của tỉnh.

       Bên cạnh đó, theo kế hoạch và tiến độ đầu tư, dự kiến trong tháng 7 năm 2019 Nhà máy xử lý nước thải khu vực Bưng Cù sẽ đưa vào hoạt động chính thức với công suất xử lý tối đa 20.000 m3/ngày, nâng tổng công suất xử lý nước thải sinh hoạt trên toàn tỉnh được xử lý lên 92.000 m3/ngày. Đồng thời, trong năm 2020 Nhà máy xử lý nước thải khu vực thị xã Tân Uyên, Bến Cát sẽ được triển khai thực hiện, hướng tới tương lai 9/9 huyện, thị xã, thành phố được đầu tư hệ thống thu gom xử lý nước thải nhằm tăng cường kiểm soát ô nhiễm nguồn nước, chấm dứt tình trạng xả nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý ra môi trường, sử dụng nguồn tài nguyên hiệu quả, góp phần giữ an toàn nguồn nước, lưu vực sông Đồng Nai, Sài Gòn và đảm bảo duy trì nguồn cung cấp nước sinh hoạt chủ yếu cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Các tin khác

TrANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ TÀI NGUYÊN MÔI TRƯỜNG TỈNH BÌNH DƯƠNG

Trưởng Ban Biên tập: Nguyễn Ngọc Thúy - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường
Địa chỉ: Tầng 09 - Tháp A - Tòa nhà trung tâm Hành chính tỉnh, phường Hòa Phú, Thành phố Thủ Dầu Một
Điện thoại: 0274 3 828035 - Email: sotnmt@binhduong.gov.vn