Góp ý dự thảo Nghị định Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 33/2017/NĐ-CP ngày 03/4/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản

14:30, Thứ Ba, 17-9-2019

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Ngày 21/8/2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đăng tải các dự thảo Nghị định Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 33/2017/NĐ-CP ngày 03/4/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản tại Cổng thông tin điện tử của Bộ. Để hoàn thiện nội dung của Nghị định trên, Bộ TN&MT tiếp nhận góp ý của các tổ chức, cá nhân tại Website đến hết ngày 21/10/2019 để trình các cấp có thẩm quyền ban hành Nghị định theo quy định.

 

Hình 1: Tất cả các đơn vị, tổ chức đang khai thác, sử dụng tài nguyên nước và khoáng sản, xả nước thải vào nguồn nước và các hoạt động liên quan bắt buộc áp dụng nghị định trên khi đưa vào áp dụng

Nghị định số 33/2017/NĐ-CP ngày 03/4/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản có hiệu lực thi hành từ ngày 20/5/2017 và thay thế Nghị định số 142/2013/NĐ-CP ngày 24/10/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản. Sau hơn hai năm triển khai Nghị định đã phát huy tác dụng răng đe đối với các tổ chức cá nhân có hành vi vi phạm các quy định pháp luật trong lĩnh vực, đồng thời đã tạo nên chuyển biến tích cực về ý thức chấp hành các quy định đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản.

Nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội, tình hình khai thác, sử dụng tài nguyên nước, khoáng sản ở một số địa phương đã diễn biến phức tạp do nhu cầu khai thác khoáng sản tăng cao; một số đơn vị còn chưa ý thức cao về sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên trong quá trình khai thác; thêm vào đó do ảnh hướng của biến đổi khí hậu nên việc khai thác, sử dụng tài nguyên ngày càng khó khăn, và sự canh tranh về giá cả, chất lượng từ nguồn khoán sản nhập khẩu,… dẫn đến cần phải có sự quản lý chặt chẽ và hiệu quả hơn. Vì vậy, trong tình hình mới, việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 33/2017/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản là cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn khách quan.

Các nội dung cơ bản được sửa đổi, bổ sung như sau:

1. Về các quy định chung

1.1. Bổ sung khoản 4 Điều 2 như sau:

“4. Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn phương pháp xác định số lợi bất hợp pháp thu được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Nghị định này.”

1.2. Bổ sung Điều 3b như sau:

“3b. Trường hợp khai thác khoáng sản, tài nguyên nước trong phạm vi hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, công trình giao thông, quốc phòng và các lĩnh vực khác, nếu có hành vi vi phạm ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật liên quan thì còn bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Nghị định này.”

1.3. Bổ sung Điều 3a như sau:

Điều 3a. Đối tượng áp dụng

1. Nghị định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản trong phạm vi lãnh thổ, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; người có thẩm quyền lập biên bản và người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản và các cá nhân, cơ quan, tổ chức khác có liên quan.

Hình 2: Các đơn vị đang sử dụng giấy phép phải thực hiện việc quan trắc, giám sát theo quy định của giấy phép

2. Tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản theo Nghị định này bao gồm:

a) Doanh nghiệp được thành lập theo Luật doanh nghiệp.

b) Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được thành lập theo Luật hợp tác xã;

c) Doanh nghiệp nước ngoài có văn phòng đại diện hoặc chi nhánh tại Việt Nam.” 

2. Về các quy định cụ thể trong lĩnh vực tài nguyên nước

- Nghị định lần này sửa đổi bổ sung chủ yếu ở các nội dung về quan trắc, giám sát đối với các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả thải vào nguồn nước. Cụ thể:

1. Sửa đổi khoản 1 Điều 6 như sau:

“1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không cập nhật, truyền thông tin, số liệu kết quả quan trắc, giám sát về cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định.”

2. Sửa đổi điểm b khoản 2 Điều 6 như sau:

“b) Không quan trắc dưới 25% các thông số phải quan trắc, giám sát theo quy định;”

3. Sửa đổi khoản 3 Điều 6 như sau:

“3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi không quan trắc từ 25% đến dưới 50% các thông số phải quan trắc, giám sát theo quy định.”

4. Sửa đổi khoản 4 Điều 6 như sau:

“4. Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không quan trắc từ 50% đến dưới 75% các thông số phải quan trắc, giám sát theo quy định.”

5. Sửa đổi điểm a, b, c, d, đ khoản 5 Điều 6 như sau:

“a) Không quan trắc từ 75% các thông số phải quan trắc, giám sát trở lên theo quy định;

b) Không lắp đặt thiết bị quan trắc, giám sát theo quy định;

c) Quan trắc, giám sát không đúng tần suất theo quy định;

d) Quan trắc, giám sát không đúng thời gian theo quy định;

đ) Quan trắc, giám sát không đúng vị trí theo quy định.”

Hình 3: Các đơn vị khai thác khoáng sản phải đảm bảo an toàn trong quá trình khai thác 

- Đồng thời, Nghị định cũng chú trọng vào hình thức xử phạt bổ sung và các hành vi tái phạm, điều chỉnh mức phạt tiền cho phù hợp đối với trường hợp vi phạm các quy định về quan trắc, giám sát tài nguyên nước trong quá trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, cụ thể như: Đình chỉ hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi quy định tại khoản 5 và khoản 6 Điều này khi gây hậu quả nghiêm trọng hoặc có khả năng thực tế gây hậu quả nghiêm trọng đối với tính mạng, sức khỏe con người, môi trường và trật tự, an toàn xã hội hoặc tái phạm, vi phạm nhiều lần.”: Sửa đổi khoản 1 Điều 8 tăng mức phạt tiền như sau:

“1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với các hành vi:

a) Không thực hiện báo cáo hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định;

b) Báo cáo không trung thực, không đầy đủ, không đúng chế độ báo cáo về hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định.”

3. Trong lĩnh vực khoáng sản

Dự thảo Nghị định cũng đã đề nghị điều chỉnh, bổ sung một số điều các hành vi thăm dò, khai thác khoáng sản không đúng quy định giấy phép, không thực hiện báo cáo định kỳ, báo cáo chậm theo quy định. Đồng thời, cũng quy định hình thức xử phạt bổ sung như trong lĩnh vực tài nguyên nước nếu hành vi vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng hoặc có khả năng thực tế gây hậu quả nghiêm trọng đối với tính mạng, sức khỏe con người, môi trường và trật tự, an toàn xã hội hoặc tái phạm, vi phạm nhiều lần.

Hình 4: Các đơn vị đang sử dụng giấy phép khai thác khoáng sản phải tuân thủ các quy định của giấy phép

Bạn đọc có thể góp ý cho dự thảo Nghị định Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 33/2017/NĐ-CP ngày 03/4/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản bằng cách truy cập vào Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Mục Góp ý văn bản QPPL.

(Nguồn: Nguyễn Đắc Vỹ Doanh - Phòng Tài nguyên nước, Khoáng sản và Khí tượng thủy văn)

 

 

Các tin khác

TrANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ TÀI NGUYÊN MÔI TRƯỜNG TỈNH BÌNH DƯƠNG

Trưởng Ban Biên tập: Nguyễn Ngọc Thúy - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường
Địa chỉ: Tầng 09 - Tháp A - Tòa nhà trung tâm Hành chính tỉnh, phường Hòa Phú, Thành phố Thủ Dầu Một
Điện thoại: 0274 3 828035 - Email: sotnmt@binhduong.gov.vn