Công tác quản lý, khai thác khoáng sản ở hồ Dầu Tiếng: Chuyển biến tích cực

10:5, Thứ Năm, 9-5-2019

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về việc kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động khai thác cát trong lòng hồ Dầu Tiếng, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã xây dựng Kế hoạch số 2786/KH-STNMT kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát xây dựng khu vực hồ Dầu Tiếng. Đến nay, công tác quản lý, khai thác khoáng sản hồ Dầu Tiếng đã có nhiều chuyển biến tích cực, đúng với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh và kế hoạch ngành TN&MT đề ra.

Một điểm tập kết cát ở hồ Dầu Tiếng

Tìm đúng “bệnh”

Qua quá trình phối hợp kiểm tra thực tế tình hình khai thác, vận chuyển khoáng sản ở hồ Dầu Tiếng, Sở TN&MT 2 tỉnh Bình Dương và Tây Ninh đã tìm ra nguyên nhân phát sinh nhiều trường hợp khai thác cát không phép là do các hợp đồng gia công giữa các chủ giấy phép và chủ bến bãi. Từ đó, 2 Sở TN&MT tham mưu cho UBND 2 tỉnh ban hành những quy định chặt chẽ hơn, nhờ đó đến nay đã chấm dứt hoàn toàn việc ký kết hợp đồng gia công khai thác cát ở hồ Dầu Tiếng.

Bên cạnh đó, Sở TN&MT tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng chỉ đăng ký, đăng kiểm cho các phương tiện phục vụ khai thác cát của các đơn vị có giấy phép khai thác khoáng sản; kiên quyết thu hồi giấy phép hoạt động các bến bãi không gắn với giấy phép khai thác khoáng sản, không phù hợp với quy hoạch bến thủy nội địa và tình hình thực tế. Thực hiện chỉ đạo này, các sở, ngành và địa phương tùy theo chức năng tham mưu, quản lý đã phối hợp rà soát hoặc tự rà soát các loại giấy phép được cấp trong khu vực lòng hồ Dầu Tiếng.

Kết quả rà soát, xử lý cụ thể cho thấy, tỉnh đã cấp 2 loại giấy phép hoạt động khoáng sản, gồm: Giấy phép thăm dò khoáng sản và giấy phép khai thác khoáng sản. Theo đó, tỉnh đã cấp 3 giấy phép thăm dò khoáng sản với trữ lượng 130,5/311,9 ha, chiếm 41,84% diện tích quy hoạch; cấp 2 giấy phép khai thác khoáng sản cát xây dựng trong khu vực hồ Dầu Tiếng với trữ lượng khai thác trên 1,4 triệu m3, thời hạn khai thác kết thúc vào tháng 11-2015 và tháng 2-2020.

Theo cơ quan chức năng, khu vực hồ Dầu Tiếng thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương có 22 bến bãi đều có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, sau khi có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, người dân đã tự mở bến bãi để tập kết, kinh doanh cát khi chưa có các loại giấy phép hoạt động trong hồ và chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Trong khi đó, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, định kỳ các bến bãi đều có báo cáo nên không có cơ sở để thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Về phía Sở Giao thông - Vận tải, đã cấp giấy phép hoạt động bến thủy nội địa tạm thời cho 20 bến. Các giấy phép này có thời hạn không quá 1 năm. Khi triển khai thực hiện Kế hoạch số 2786/KH-STNMT của Sở TN&MT, Sở Giao thông - Vận tải đã tiến hành kiểm tra toàn bộ hoạt động của 22 bến thủy nội địa, trong đó 20 bến đã cấp phép, 2 bến chưa có giấy phép. Sau khi có kết luận kiểm tra, Sở Giao thông - Vận tải đã ban hành quyết định đình chỉ hoạt động đối với 2 bến thủy nội địa; thông báo tạm dừng hoạt động đối với 9 bến thủy nội địa; thông báo không gia hạn hoạt động đối với 5 bến thủy nội địa. Hiện có 2 bến đã ngừng hoạt động, 2 bến tiếp tục được hoạt động cho đến khi giấy phép hoạt động bến thủy nội địa hết hạn. Đến nay, 20 giấy phép hoạt động bến thủy nội địa đã cấp trước đây đều đã hết hạn và không bến nào được cấp gia hạn.

Sớm giải quyết dứt điểm các vi phạm

Sau thời gian phối hợp thực hiện quyết liệt các ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, đến nay phía tỉnh Bình Dương có 14/22 bến bãi đã dừng và tạm dừng hoạt động, 3/22 bến bãi đang dừng hoạt động, khôi phục hiện trạng đất ban đầu và 5 bến bãi đang hoạt động.

Qua thực tế kiểm tra, ngành chức năng đã phát hiện số lượng phương tiện bơm hút, vận chuyển cát trên địa bàn tỉnh không thống nhất. Cụ thể, đoàn kiểm tra tỉnh Tây Ninh thì báo cáo Bình Dương có 46 tàu hút và vận chuyển cát, nhưng Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Bình Dương thông báo có 64 phương tiện hút, vận chuyển cát. Nguyên nhân có sự chênh lệch này được xác định là do các chủ phương tiện lợi dụng vùng giáp ranh giữa nhiều tỉnh, mặt hồ rộng, địa hình ven hồ khá phức tạp, nhiều cửa suối, cây cối rậm rạp để đưa phương tiện vào che giấu.

Trên cơ sở báo cáo, tham mưu của các ngành chức năng, UBND 2 tỉnh Bình Dương và Tây Ninh thống nhất tinh thần: Chỉ những phương tiện hút, vận chuyển cát đã đăng ký gắn với giấy phép khai thác khoáng sản mới được phép hoạt động trong hồ Dầu Tiếng, các phương tiện còn lại phải di dời khỏi lòng hồ. Thực hiện tinh thần này, lực lượng công an đã nỗ lực tuần tra, truy quét, bắt giữ các phương tiện bơm hút cát trái phép. Sở Giao thông - Vận tải phối hợp với các cơ quan chức năng huyện Dầu Tiếng tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường trọng điểm như ĐT744 và ĐT749b.

Kết quả kiểm tra trong tháng 7-2018 cho thấy, các đơn vị đã xử lý 36 trường hợp vi phạm với số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 154,5 triệu đồng. Cùng với đó, ngành chức năng đã phối hợp với địa phương lắp đặt 2 trạm kiểm soát tải trọng trên đường ĐT744 và ĐT749b. Ngoài ra, trong quá trình kiểm tra từ tháng 8-2018 đến nay, cơ quan công an đã kiểm tra, xử lý 26 vụ vi phạm trong lòng hồ Dầu Tiếng; ban hành 10 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền phạt 1,53 tỷ đồng, tịch thu 1 tàu sắt và 2.274,652m3 cát; đang đề xuất xử lý 16 vụ.

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các ngành và địa phương, nên đến nay hoạt động vận chuyển cát từ hồ Dầu Tiếng bằng đường bộ đang đi vào nề nếp, ít ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân trong vùng. Người dân trên địa bàn rất phấn khởi, tin tưởng với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép từ lòng hồ Dầu Tiếng.

Để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên lĩnh vực quản lý, khai thác khoáng sản, lập lại trật tự, an toàn cho công trình hồ Dầu Tiếng, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ TN&MT rà soát hướng dẫn thi hành Luật Thủy lợi và Luật Khoáng sản để thống nhất về việc cấp các loại giấy phép hoạt động khoáng sản, hoạt động bến bãi, hoạt động của các phương tiện trong lòng hồ cũng như việc xử lý vi phạm (nếu có); đồng thời xây dựng quy chế phối hợp giữa các bộ và địa phương trong việc cấp giấy phép, kiểm tra các hoạt động trong hồ.

Bên cạnh đó, Sở TN&MT kiến nghị UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Dầu Tiếng chỉ đạo UBND các xã ven hồ Dầu Tiếng cần nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc tuyên truyền phổ biến pháp luật đến nhân dân; kịp thời phát hiện những sai phạm của người dân để chấn chỉnh, xử lý ngay từ khi mới hình thành, tránh để tình trạng “việc đã rồi” sẽ rất khó khăn trong việc xử lý. Sở TN&MT cũng tham mưu UBND tỉnh yêu cầu các ngành chức năng liên quan như Sở Giao thông - Vận tải, Công an, Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa tiếp tục phát huy vai trò trách nhiệm trong công tác quản lý nhằm bảo đảm không để tái diễn tình trạng khai thác, vận chuyển khoáng sản không phép, trái phép gây ảnh hưởng đến môi trường, an toàn công trình hồ đập và cuộc sống, sinh hoạt của người dân.

Theo: http://baobinhduong.vn

Các tin khác

TrANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ TÀI NGUYÊN MÔI TRƯỜNG TỈNH BÌNH DƯƠNG

Trưởng Ban Biên tập: Nguyễn Ngọc Thúy - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường
Địa chỉ: Tầng 09 - Tháp A - Tòa nhà trung tâm Hành chính tỉnh, phường Hòa Phú, Thành phố Thủ Dầu Một
Điện thoại: 0274 3 828035 - Email: sotnmt@binhduong.gov.vn