Họp góp ý Dự thảo Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Đồng Nai

11:1, Thứ Năm, 26-9-2019

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Sáng ngày 19/9, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành đã chủ trì cuộc họp Tổ soạn thảo và góp ý dự thảo Quy trình vận hành liên hồ chứa (QTVHLHC) trên lưu vực sông Đồng Nai. Tham dự cuộc họp có đại diện các Bộ; các cơ quan liên quan, các đơn vị quản lý, vận hành các hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Đồng Nai và các chuyên gia trong lĩnh vực tài nguyên nước.

Phát biểu tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Hoàng Văn Bẩy cho biết, Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Đồng Nai đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành, thực hiện từ mùa lũ năm 2014 (Quyết định số 1892/QĐ-TTg ngày 20 tháng 10 năm 2014). Đến năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy trình vận hành liên hồ trong cả năm, bao gồm cả mùa lũ và mùa cạn (Quyết định số 471/QĐ-TTg ngày 24 tháng 3 năm 2016), trong đó về cơ bản các quy định vận hành trong mùa lũ được kế thừa từ Quy trình vận hành đã được ban hành năm 2014. Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Điều của Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Đồng Nai (Quyết định 305/QĐ-TTg ngày 08 tháng 3 năm 2017) để phù hợp với thực tế.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành chủ trì cuộc họp

Cục trưởng Hoàng Văn Bẩy cũng cho biết thêm, sau gần 5 năm vận hành theo quy trình, việc phối hợp vận hành của các hồ chứa lớn trên lưu vực sông Đồng Nai đã góp phần quan trọng trong việc giảm lũ cho hạ du, đồng thời bảo đảm nguồn nước cấp cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương ở khu vực hạ lưu các hồ chứa. Tuy nhiên, qua kết quả rà soát, tổng kết quá trình vận hành liên hồ chứa trong thời gian qua cho thấy có một số vấn đề cần được xem xét điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với tình hình mới, đồng thời từng bước nâng cao hiệu quả phối hợp vận hành các hồ trong việc giảm lũ và cấp nước cho hạ du, cụ thể: 

Một là, một số hồ thủy điện đã được đưa vào vận hành nằm trên dòng chính sông Đồng Nai và dòng nhánh có khả năng điều tiết nước và ảnh hưởng đến cấp nước hạ du, nhất là trong mùa cạn cần được xem xét bổ sung vào quy trình;

Hai là, chưa quy định vận hành hồ trong các tình huống bất thường trong mùa lũ và mùa cạn;

Ba là, các chế độ vận hành, thẩm quyền chỉ đạo, quyết định vận hành hồ, trách nhiệm tổ chức vận hành và cung cấp thông tin báo cáo trong mùa lũ cũng như mùa cạn còn nhiều vấn đề chưa rõ và được quy định phân tán trong nhiều điều, khoản trong quy trình cần bố cục lại;

Bốn là, các trạm thủy văn kiểm soát lũ hạ du cần điều chỉnh cấp báo động do có những thay đổi; đồng thời bổ sung lưu lượng lũ đến hồ là một điều kiện để chuyển các chế độ vận hành trong mùa lũ nhằm đảm bảo hiệu quả cắt giảm lũ, bảo vệ hạ du…;

Năm là, các thời kỳ vận hành xả nước và lưu lượng xả trong từng thời kỳ của các hồ trong mùa cạn cần được điều chỉnh nhằm đảm bảo phù hợp với nhu cầu thực tế sử dụng nước ở hạ du; quy định về giá trị mực nước tối thiểu của các hồ trong các thời đoạn 10 ngày dẫn đến việc khó vận hành đúng theo quy trình.

 

Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Hoàng Văn Bẩy phát biểu tại cuộc họp

“Vì vậy, việc rà soát tình hình vận hành thực tế của các hồ chứa trong thời gian qua, trên cơ sở đó nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung nhằm từng bước hoàn thiện Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Đồng Nai là cần thiết và cấp bách, nhất là trong điều kiện biển đổi khí hậu, tình trạng lũ lụt, hạn hán, thiếu nước đang ngày càng gia tăng, biến đổi khó lường” - Cục trưởng Hoàng Văn Bẩy nói.

Trong thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo Cục Quản lý tài nguyên nước, các cơ quan, đơn vị chức năng phối hợp với các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan và các chuyên gia cùng Tổ soạn thảo tập trung rà soát, đánh giá những khó khăn, vướng mắc của các cơ quan, đơn vị có liên quan qua thực tế các năm thực hiện vận hành theo Quy trình vận hành liên hồ chứa đã được ban hành; đồng thời cập nhật, bổ sung các thông tin số liệu về hiện trạng hồ chứa, tình hình diễn biến về nguồn nước, khí tượng thủy văn, lũ lụt, hạn hán thiếu nước, những thay đổi về nhu cầu khai thác, sử dụng nước ở hạ du các hồ chứa,....Trên cơ sở đó, Bộ đã nghiên cứu, xem xét hướng khắc phục những khó khăn, tồn tại của Quy trình đã ban hành; tính toán bổ sung các phương án phối hợp vận hành các hồ và bổ sung, điều chỉnh một số nội dung để xây dựng, hoàn thiện Dự thảo Quy trình.

Theo đó, Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Đồng Nai, bao gồm các hồ, đập: Thác Mơ, Cần Đơn, Srok Phu Miêng, Phước Hòa, Đơn Dương, Đại Ninh, Đồng Nai 2, Đồng Nai 3, Đồng Nai 4, Đăk R’Tih (bậc trên), Đồng Nai 5, Trị An, Hàm Thuận, Đa Mi, Dầu Tiếng, Đa Khai, Đa Dâng 3, Đăk Sin 1, Đa M’Bri, Đắk Kar và đập dâng Tà Pao.

Về cơ bản, kết cấu Dự thảo Quy trình được giữ nguyên như Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Đồng Nai tại Quyết định số 471/QĐ-TTg ngày 24 tháng 03 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ. Dự thảo Quy trình gồm 4 Chương, 42 điều, trong đó bổ sung thêm 03 điều mới và cập nhập, bổ sung, biên tập lại một số nội dung quy định tại các điều còn lại để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của Dự thảo Quy trình, cụ thể như sau: Chương I quy định những nội dung về đối tượng điều chỉnh (Điều 1); thời gian vận hành mùa lũ, mùa cạn (Điều 2); đảm bảo ổn định cho hệ thống công trình đầu mối (Điều 3); các thông số kỹ thuật cơ bản của các hồ chứa (Điều 4).

Chương II. Vận hành các hồ chứa trong mùa lũ, quy định những nội dung về nguyên tắc vận hành các hồ giảm lũ cho hạ du (Điều 5); quy định mực nước vận hành hồ trong mùa lũ (Điều 6); bổ sung quy định các chế độ vận hành và thẩm quyền chỉ đạo, quyết định vận hành hồ trong mùa lũ (Điều 7); vận hành giảm lũ cho hạ du đối với các hồ Thác Mơ và Cần Đơn (Điều 8); vận hành giảm lũ cho hạ du đối với các hồ Đơn Dương và Đại Ninh (Điều 9); vận hành giảm lũ cho hạ du đối với các hồ Đồng Nai 2, Đồng Nai 3 và Đăk R’Tih (Điều 10); vận hành giảm lũ cho hạ du đối với hồ Hàm Thuận (Điều 11); vận hành giảm lũ cho hạ du đối với hồ Trị  An (Điều 12); vận hành giảm lũ cho hạ du đối với hồ Dầu Tiếng (Điều 13); bổ sung quy định vận hành giảm lũ cho hạ du đối với các hồ khác (Điều 14); vận hành bảo đảm an toàn công trình (Điều 15); tích nước cuối mùa lũ (Điều 16); vận hành các hồ trong điều kiện bình thường (Điều 17); bổ sung quy định vận hành các hồ trong các tình huống bất thường (Điều 18). 

Chương III. Vận hành các hồ chứa trong mùa cạn, quy định những nội dung về nguyên tắc vận hành trong mùa cạn (Điều 19); các thời kỳ vận hành hồ chứa trong mùa cạn (Điều 20); bổ sung quy định thẩm quyền quyết định vận hành hồ trong mùa cạn (Điều 21); vận hành các hồ Trị An, Đồng Nai 2, Đồng Nai 3, Đăk R’Tih, Đồng Nai 4 và Đồng Nai 5, Đa Dâng 3 (Điều 22); vận hành các hồ Thác Mơ, Cần Đơn, Srok Phu Miêng và Phước Hòa (Điều 23); vận hành cụm hồ Hàm Thuận - Đa Mi và đập dâng Tà Pao (Điều 24); vận hành hồ Đơn Dương (Điều 25); vận hành hồ Đại Ninh (Điều 26); vận hành hồ Dầu Tiếng (Điều 27); vận hành các hồ Đa Khai, Đăk Sin 1, Đa M’Bri và Đắk Kar (Điều 28).

Chương IV. Quy định trách nhiệm, tổ chức vận hành các hồ chứa và cung cấp thông tin, báo cáo, quy định những nội dung về trách nhiệm của Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Bình Phước, Lâm Đồng, Bình Thuận, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương, Đắk Nông và thành phố Hồ Chí Minh (Điều 29); trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh Bình Phước, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương, Đắk Nông và thành phố Hồ Chí Minh (Điều 30); Trách nhiệm của Trưởng Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai (Điều 31); Trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Công Thương (Điều 32); Trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Điều 33); trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (Điều 34); trách nhiệm của Bộ trưởng các Bộ, ngành liên quan (Điều 35); trách nhiệm của Chủ hồ (Điều 36); trách nhiệm của của Công ty TNHH MTV khai thác CTTL Bình Thuận (Điều 37); trách nhiệm về an toàn các công trình (Điều 38); chế độ quan trắc, dự báo trong mùa lũ (Điều 39); trách nhiệm cung cấp thông tin, báo cáo trong mùa lũ (Điều 40); chế độ quan trắc, dự báo và trách nhiệm cung cấp thông tin báo cáo trong mùa cạn (Điều 41); sửa đổi, bổ sung nếu cần thiết (Điều 42).

Tại cuộc họp, các đại biểu đã tham gia đóng góp ý kiến đối với dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Đồng Nai. Các ý kiến thảo luận, góp ý tập trung vào các quy định của quy trình vận hành các hồ chứa trong mùa cạn, mùa lũ; về thẩm quyền chỉ đạo, quyết định vận hành hồ, trách nhiệm tổ chức vận hành, cung cấp thông tin, báo cáo; các tình huống bất thường và việc xử lý các tình huống bất thường; mực nước báo động; trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan có liên quan và chủ hồ trong mùa lũ, mùa cạn;…

Ông Phạm Văn Cúc - Giám đốc Công ty Thủy điện Đồng Nai 3 và 4 phát biểu tại cuộc họp

Góp ý tại cuộc họp, ông Phạm Văn Cúc - Giám đốc Công ty Thủy điện Đồng Nai 3 và 4 cho biết, tại Điểm b, Khoản 1, Điều 10 nêu “Nếu mực nước tại Trạm Thủy văn Tà Lài vượt mức báo động II nhưng vẫn dưới mực nước để quyết định vận hành cắt, giảm lũ cho hạ du theo quy định tại Khoản 4 Điều 6 của Quy trình này hoặc xuất hiện lưu lượng về hồ từ 300m3/s đến 550m3/s đối với hồ Đồng Nai 2, từ 400m3/s đến 650m3/s đối với hồ Đồng Nai 3, từ 100m3/s đến 200m3/s đối với hồ Đăk R’Tih (bậc trên) thì thực hiện vận hành duy trì mực nước hồ”. Tuy nhiên, theo tính toán của tư vấn, ở thủy điện Đồng Nai 3 lũ nhỏ là 816 m3/s nên vì thế đề xuất nâng ngưỡng lưu lượng về hồ Thủy điện Đồng Nai 3 lên thành từ 650m3/s đến 816 m3/s thay vì từ 400-650 m3/s như dự thảo Quy trình.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hồ Chí Minh (Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP. HCM) chia sẻ, đối với hồ Dầu Tiếng “Nếu mực nước tại Trạm Thủy văn Phú An đang dưới báo động I thì thực hiện vận hành điều tiết để bảo đảm mực nước hồ không vượt quá giá trị quy định tại Bảng 1 nhưng phải đảm bảo lưu lượng xả về hạ du không vượt quá 200m3/s” quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 13. Tuy nhiên, đại diện Sở kiến nghị lưu lượng xả về hạ du điều chỉnh lại là từ 200-300 m3/s thay vì để 200 m3/s như dự thảo Quy trình vì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản kiến nghị lưu lượng xả lũ của hồ Dầu Tiếng về hạ du không quá 300 m3/s.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương phát biểu ý kiến tại cuộc họp

Tuy nhiên, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương (Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Dương) lại có ý kiến nếu hồ Dầu Tiếng xả với lưu lượng 300 m3/s thì Bình Dương sẽ bị ngập nên kiến nghị giữ nguyên quy định lưu lượng xả lũ của hồ Dầu Tiếng không vượt quá 200 m3/s như dự thảo Quy trình.

Góp ý tại cuộc họp, Đại diện Tổng cục Phòng chống thiên tai đề nghị quy định rõ hơn về trách nhiệm của Chủ hồ trong việc lắp đặt camera giám sát việc xả nước và truyền tín hiệu hình ảnh đến các cơ quan quản lý, bổ sung trách nhiệm lắp đặt trạm đo mưa cho các hồ chứa.

Ngoài ra, đại diện một số cơ quan, đơn vị liên quan cũng kiến nghị cần bổ sung quy định về việc xây dựng bản đồ ngập lụt và cắm mốc hàng lang thoát lũ đối với các hồ chứa do hiện tại chưa có văn bản quy phạm nào hướng dẫn cụ thể về việc xây dựng hành lang thoát lũ.

Quang cảnh cuộc họp

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Lê Công Thành đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự cuộc họp, đồng thời đề nghị Tổ biên tập tiếp thu đầy đủ các ý kiến để tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Đồng Nai sớm trình các cấp có thẩm quyền xem xét và ban hành. 

“Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục nghiên cứu, xem xét, khắc phục những khó khăn, tồn tại của Quy trình đã ban hành; tính toán bổ sung các phương án phối hợp vận hành các hồ và bổ sung, điều chỉnh một số nội dung quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Đồng Nai vừa đảm bảo an toàn cho hệ thống hồ chứa, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên nước cho phát điện, sản xuất, sinh hoạt của người dân cũng như đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương ở khu vực hạ lưu các hồ chứa” – Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh.

Nguồn tin: http://dwrm.gov.vn/

Các tin khác

TrANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ TÀI NGUYÊN MÔI TRƯỜNG TỈNH BÌNH DƯƠNG

Trưởng Ban Biên tập: Nguyễn Ngọc Thúy - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường
Địa chỉ: Tầng 09 - Tháp A - Tòa nhà trung tâm Hành chính tỉnh, phường Hòa Phú, Thành phố Thủ Dầu Một
Điện thoại: 0274 3 828035 - Email: sotnmt@binhduong.gov.vn