Chính sách nào cho ngành Nước phát triển

11:13, Thứ Năm, 21-3-2019

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Tại Hội nghị thường niên “Chính sách phát triển ngành Nước - Cơ hội, khó khăn, thách thức và kiến nghị”, do Hội Cấp thoát nước Việt Nam mới tổ chức tại Bình Dương, các đại biểu nhìn nhận đây là cơ hội cho ngành Nước phát triển. Mặc dù vậy, nhưng cơ chế chính sách phát triển ngành Nước vẫn còn nhiều bất cập, đó là chưa thống nhất trong các văn bản quy phạm pháp luật hoặc các quy định trong các văn bản pháp luật chưa được cập nhật, bổ sung, sửa đổi; nhiều quy định về ưu đãi hỗ trợ chưa được thực hiện; các quy định về cổ phần hóa và quản lý doanh nghiệp sau cổ phần hóa còn thiếu hoặc chưa hợp lý…

Thực trạng cấp nước

Trong những năm qua, cơ bản khung thể chế về phát triển cấp, thoát nước đã từng bước được hoàn thiện góp phần nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực cấp, thoát nước.

Từ năm 2012 đến nay, nhiều đạo luật mới có liên quan đến quản lý và phát triển cấp, thoát nước như: Luật giá, Luật phí và lệ phí, Luật Tài nguyên nước, Luật Doanh nghiệp, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường... đã được ban hành với những đổi mới cơ bản; nhiều định hướng, chiến lược, chương trình, quy hoạch như Điều chỉnh định hướng về cấp và thoát nước; Chương trình quốc gia về cấp nước an toàn; Quy hoạch cấp, thoát nước mang tính vùng cũng như quy hoạch cấp thoát nước các đô thị lớn... đã được phê duyệt.

Theo thống kê, 10 năm qua, nhiều chỉ tiêu của ngành đều tăng với các chỉ tiêu: Tổng công suất các nhà máy nước đạt khoảng 9 triệu m3; tỷ lệ dân cư đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 86%; tỷ lệ thất thoát thất thu giảm từ 30% (năm 2010) đến nay còn 21,5%; tổng lượng nước thải được xử lý gần 1 triệu m3/ngày, tương đương tỷ lệ xử lý nước thải đô thị đạt khoảng 15 – 16%...

Hệ thống sản xuất nước sạch đang được đầu tư xây dựng tại Cty Biwase – Bình Dương

Ông Nguyễn Minh Đức – Trưởng phòng Quản lý Cấp nước, Cục Hạ tầng kỹ thuật – Bộ Xây dựng cho biết: “Ở khu vực đô thị, doanh nghiệp cấp nước hoạt động theo mô hình Cty cổ phần chiếm gần 100% nên tổng công suất các nhà máy nước đã tăng từ 2,4 triệu m3/ngđ lên khoảng 9 triệu m3/ngđ (gần gấp 3,5 lần), tỷ lệ dân cư đô thị được cung cấp nước sạch tăng khoảng 2,1 lần từ 40% (với tỷ lệ đô thị hóa khoảng 23%) lên 86% (với tỷ lệ đô thị hóa khoảng 37%); tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch giảm 13% xuống còn khoảng 21,5%.

Chủ trương xã hội hóa ngành Nước của Chính phủ đã thu hút được nhiều doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư xây dựng. Các doanh nghiệp cấp nước đang từng bước xây dựng và triển khai thực hiện bảo đảm cấp nước an toàn; sắp xếp, cải tạo tổ chức quản lý cấp nước.

Việc quan tâm đầu tư phát triển cấp nước trong những năm vừa qua đã góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước, bảo vệ sức khỏe người dân và góp phần phát triển kinh tế - xã hội”.

Tại nông thôn, bình quân cả nước có khoảng 91,5% số dân tại đây được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó gần 49% sử dụng nước đạt Quy chuẩn 02:2009/BYT, với khoảng 43,5% dân số nông thôn được cấp nước từ công trình cấp nước tập trung, 56,5% dân số nông thôn còn lại hiện nay vẫn chỉ được cấp nước từ các công trình cấp nước nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình.

Tổng số công trình cấp nước tập trung đã xây dựng khoảng 18.135 công trình, trong đó tỷ lệ công trình hoạt động bền vững 33,3%, trung bình 37,9%, kém hiệu quả 16,7% và không hoạt động 11,9%. Mô hình quản lý cấp nước đa dạng bao gồm: UBND xã chiếm 84,6%; đơn vị sự nghiệp công lập chiếm 12,47% và doanh nghiệp quản lý chiếm 2,93%.

Khó khăn bất cập

Tại Hội nghị Thường niên của Hiệp hội Cấp thoát nước Việt Nam vừa qua, các đại biểu cho rằng, hiện nay có 2 cơ quan quản lý là Bộ Xây dựng thì quản lý về cấp nước đô thị và Khu công nghiệp, còn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lại quản lý hoạt động cấp nước tại nông thôn. Do đó hình thành 2 khu vực đô thị và nông thôn nên có sự khác biệt về chất lượng dịch vụ, chất lượng xây dựng công trình, đầu tư còn chồng chéo thiếu bền vững…

Theo PGS-TS Nguyễn Hồng Tiến – Tổng thư ký Hội Cấp thoát nước Việt Nam đánh giá: “Mặc dù cơ chế chính sách đang được hoàn thiện, bộ máy quản lý khá đầy đủ và có những thành tựu trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng ngành Nước vẫn còn nhiều khó khăn như: Chưa thống nhất trong các văn bản quy phạm pháp luật hoặc các quy định trong các văn bản pháp luật chưa được cập nhật, bổ sung, sửa đổi gây khó khăn trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện; Hiệu lực các văn bản pháp lý chưa cao, nhiều quy định về ưu đãi hỗ trợ chưa được thực hiện; các quy định về cổ phần hóa và quản lý các doanh nghiệp sau cổ phần hóa còn thiếu hoặc chưa hợp lý… cơ sở dữ liệu ngành Nước thiếu, các tiêu chí và chỉ tiêu chưa đồng bộ và còn có cách hiểu chưa thống nhất. Thiếu cơ sở pháp lý trong việc cung cấp công bố thông tin về ngành Nước”.

 “Đơn cử như Nghị định 117/2007/NĐ-CP quy định “Giá nước sạch phải được tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí sản xuất hợp lý trong quá trình sản xuất, phân phối nước sạch bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các đơn vị cấp nước và khách hàng sử dụng nước”.

Tuy nhiên giá nước hiện nay chưa tính đủ các chi phí hoặc chưa cập nhật, bổ sung kịp thời các chi phí phát sinh để thực hiện các hoạt động như: thực hiện cấp nước an toàn, đấu nối và duy trì đấu nối, quản lý rủi ro, lợi nhuận và lộ trình điều chỉnh giá.

Hoặc tại Điều 31 của Nghị định số 117 có quy định UBND hoặc cơ quan được ủy quyền với doanh nghiệp thực hiện dịch vụ cấp nước ký kết Thỏa thuận thực hiện dịch vụ cấp nước. Tuy nhiên hình thức Thỏa thuận thể hiện tính pháp lý không cao, đồng thời không có chế tài đi kèm cho đến nay mới chỉ có số ít địa phương thực hiện ký kết Thỏa thuận này.

Nhiệm vụ đảm bảo cung cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt và đời sống của nhân dân là trách nhiệm của chính quyền địa phương, việc không ký kết này có thể tiềm ẩn rủi ro về an toàn trong cấp nước”, ông Tiến phân tích.

Để ngành Nước phát triển bền vững, Hiệp hội Cấp thoát nước Việt Nam kiến nghị các cơ quan chức năng: Nghiên cứu, rà soát, sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ. Tiếp tục bổ sung và hoàn thiện các quy định về đầu tư theo hình thức đối tác công tư đối với lĩnh vực cấp thoát nước để thu hút các nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực này.

Nếu chưa có Luật Cấp nước, Luật Thoát nước và xử lý nước thải thì cần nghiên cứu sửa đổi Nghị định 117/2007 cho phù hợp với thực tiễn quản lý và phát triển. Đặc biệt lưu ý đến quy định về Thỏa thuận thực hiện dịch vụ cấp nước, đề nghị chuyển sang hình thức Hợp đồng sản xuất và cung cấp nước sạch được ký kết giữa Chính quyền địa phương và đơn vị cung cấp dịch vụ cấp nước.

Các đại biểu tham dự cũng đề cơ quan chức năng nghị nghiên cứu đổi mới mô hình quản lý thống nhất theo hướng một Bộ quản lý chuyên ngành về cấp nước sinh hoạt, thoát nước và xử lý nước thải đô thị và khu dân cư nông thôn…

Nguồn: Cao Cường - baoxaydung.com.vn

Các tin khác

TrANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ TÀI NGUYÊN MÔI TRƯỜNG TỈNH BÌNH DƯƠNG

Trưởng Ban Biên tập: Nguyễn Ngọc Thúy - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường
Địa chỉ: Tầng 09 - Tháp A - Tòa nhà trung tâm Hành chính tỉnh, phường Hòa Phú, Thành phố Thủ Dầu Một
Điện thoại: 0274 3 828035 - Email: sotnmt@binhduong.gov.vn