Chi tiết bài viết - Sở TNMT Bình Dương
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia xây dựng bộ dữ liệu tính toán phát thải các bon sử dụng dữ liệu viễn thám
Thực hiện Chương trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2023 thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cục Viễn thám quốc gia được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng Dự thảo Thông tư “Ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia xây dựng bộ dữ liệu tính toán phát thải các bon sử dụng dữ liệu viễn thám”.
Việt Nam là một trong những quốc gia đang gánh chịu những tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, ở cấp độ quốc tế, chính phủ Việt Nam đã phê chuẩn Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) năm 1994 và Nghị định thư Kyoto (KP) vào năm 2002. Để thực hiện một số nghĩa vụ chung như xây dựng các Thông báo quốc gia về kiểm kê khí nhà kính, xây dựng các phương án giảm nhẹ khí nhà kính cũng như thích ứng với biến đổi khí hậu tại COP 20/CMP 10 (Hội nghị chính thức của các Bên tham gia Công ướcCOP/ Hội nghị các bên tham gia Nghị định thư Kyoto CMP), Việt nam là một trong số ít các quốc gia đã đệ trình báo cáo cập nhật 2 năm một lần (BUR) cho Ban thư ký UNFCCC về kiểm kê khí nhà kính.
Ở cấp độ quốc gia, Thủ tướng chính phủ yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng chính sách nhằm tận dụng các cơ hội phát triển của Việt Nam do các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính có thể mang lại. Xác định Mục kiện và cơ sở pháp lý để hình thành thị trường cácbon trong nước và tham gia thị trường cácbon toàn cầu. Theo quy định tại Quyết định số 43/2010/QĐ-TTg ngày 02/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia (mã số chỉ tiêu 2124) và Thông tư số 29/2013/TT-BTNMT ngày 09/10/2013 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc ban hành Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Tài nguyên và Môi trường (mã số chỉ tiêu 0512), Bộ Tài nguyên và Môi trường có nhiệm vụ công bố chỉ tiêu lượng phát thải khí nhà kính bình quân đầu người với kỳ công bố là 2 năm/lần. Tháng 12 năm 2014 Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố chỉ tiêu lượng phát thải khí nhà kính bình quân đầu người năm 2010, dự kiến sẽ công bố chỉ tiêu phát thải khí nhà kính bình quân đầu người năm 2012 vào tháng 12 năm 2016. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng dự kiến báo cáo kết quả kiểm kê quốc gia khí nhà kính năm 2014, phục vụ cho việc xây dựng và đệ trình BUR3 cho UNFCCC và công bố chỉ tiêu lượng phát thải khí nhà kính bình quân đầu người năm 2014 vào năm 2018. Những thách thức trên đòi hỏi chúng ta phải đưa ra một quy trình công nghệ hữu hiệu có thể cung cấp dữ liệu nhanh nhất trên phạm vị rộng khắp cả nước cũng như phần mềm tính toán chính xác.
Trước năm 2012, tính toán và công bố cho phát thải Các bon năm 1996 được thông qua 4 bước, dữ liệu đầu vào thường sử dụng số liệu thống kê hiện trạng rừng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết hợp tính toán trên phần mềm Micrrosoft Excel, vì vậy dữ liệu đưa ra chưa mang tính thuyết phục cao bởi vì các dữ liệu thống kê không trùng với năm cần tính toán phát thải; ví dụ: để công bố phát thải cho năm 1996, sử dụng dữ liệu Mục tra rừng của giai đoạn từ 1990-1995. Trên quan điểm về thế mạnh của công nghệ viễn thám là khách quan, tầm bao quát rộng, dữ liệu thu nhận dạng số và trùng với thời điểm cần tính toán, sử dụng công nghệ viễn thám còn ý nghĩa thực tiễn khi đem lại hiệu quả kinh tế cao và đảm bảo tính thường xuyên liên tục của công tác giám sát và tính toán lượng phát thải các bon. Chính vì vây, tại Việt Nam, từ năm 2013, được hỗ trợ kỹ thuật và khuyến cáo của tổ chức SilvarCarbon, Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), thống nhất đưa ra quy trình chung gồm năm (05) bước, trong đó bước quan trọng là sử dụng công nghệ viễn thám. Đây là một phương pháp mới mới đảm bảo tính khách quan, cập nhật, minh bạch phục vụ kiểm kê phát thải và xây dựng kịch bản giảm phát thải nhằm tăng độ chính xác của kết quả kiểm kê khí nhà kính để đưa ra kết quả có tính tin cậy cao hơn với việc sử dụng dữ liệu đầu vào gồm dữ liệu hiện trạng lớp phủ, biến động lớp phủ, phân vùng sinh thái và thổ nhưỡng chiết tách từ tư liệu viễn thám.
Bộ dữ liệu tính toán phát thải khí nhà kính sử dụng tư liệu viễn thám là sản phẩm được thông qua quá trình xử lý để tạo ra từ dữ liệu viễn thám. Sản phẩm này đã và đang được sử dụng phổ biến trong mọi lĩnh vực viễn thám và biến đổi khí hậu.
Hiện nay, chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về vấn đề đang thực hiện, các hướng dẫn, quy định, quy trình liên quan còn tồn tại một số vấn đề sau: Một là, chưa có các quy định về Quy chuẩn cụ thể cho Bộ dữ liệu tính toán phát thải khí nhà kính sử dụng tư liệu viễn thám; hai là, chưa quy định cụ thể phân lớp, tỷ lệ chiết xuất các đối tượng lớp phủ đối với việc tính toán phát thải khí nhà kính, các kỹ thuật phân lớp trước đây thực hiện trên cơ sở sử dụng nhóm ảnh quang học nhưng có các tính năng, thông số kỹ thuật rất khác biệt nhau: viễn thám đa phổ (multispectral remote sensing) với số lượng kênh phổ dưới 100 kênh; viễn thám siêu phổ (hyperspectral remote sensing) với số lượng kênh phổ trên 100 kênh, thậm chí có loại ảnh lên đến hàng nghìn kênh phổ khác nhau; ảnh hồng ngoại nhiệt…
Hiện nay các đơn vị có nhiệm vụ liên quan giao nộp về cơ quản quản lý nhà nước về viễn thám gặp nhiều khó khăn trong việc xác định chất lượng, quy cách cụ thể của sản phẩm. Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu thực tế cần xây dựng Thông tư “Ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia xây dựng bộ dữ liệu tính toán phát thải các bon sử dụng dữ liệu viễn thám” để góp phần hoàn thiện hệ thống văn bản quy định kỹ thuật, Quy chuẩn, quy chuẩn về dữ liệu viễn thám và đáp ứng yêu cầu hài hòa với các Quy chuẩn quốc tế và khu vực.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc đề xuất lĩnh vực theo dõi thi hành pháp luật trọng tâm, liên ngành năm 2023; Cục Viễn thám quốc gia đã lập dự kiến Chương trình xây dựng và ban hành VBQPPL năm 2023 trong đó có Thông tư “Ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia xây dựng bộ dữ liệu tính toán phát thải các bon sử dụng dữ liệu viễn thám” và đã được phê duyệt tại Quyết định số 107/QĐ-BTNMT ngày 19 tháng 01 năm 2023 về Phê duyệt Chương trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2023 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Dự thảo Thông tư “Ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia xây dựng bộ dữ liệu tính toán phát thải các bon sử dụng dữ liệu viễn thám” gồm 02 Phần. Bố cục và nội dung cơ bản của Thông tư như sau: Phần 1: gồm căn cứ ban hành và 3 điều (Điều 1. Phạm vi điều chỉnh; Điều 2. Hiệu lực thi hành; Điều 3. Tổ chức thực hiện); Phần 2: gồm nội dung của Quy chuẩn kỹ thuật gồm 11 nội dung chính: Bộ dữ liệu lớp phủ mặt đất; Khoảng thời gian xây dựng dữ liệu biến động lớp phủ mặt đất; Quy mô thể hiện bộ dữ liệu lớp phủ mặt đất sử dụng dữ liệu viễn thám quang học; Cơ sở toán học; Chuẩn mô hình cơ sở dữ liệu; Quy định kỹ thuật đối với dữ liệu viễn thám quang học; Quy định về danh mục đối tượng lớp phủ mặt đất; Quy định xử lý dữ liệu viễn thám quang học; Quy định phân loại và thành lập thông tin hiện trạng lớp phủ mặt đất; Quy định kỹ thuật thành lập lớp thông tin biến động lớp phủ mặt đất; Quy định kỹ thuật xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ tính toán phát thải các-bon sử dụng dữ liệu viễn thám quang học.
Ngoài ra có các quy định về quản lý liên quan tới: Phương thức đánh giá sự phù hợp; Quy định về công bố hợp quy; Trách nhiệm công bố hợp quy...
Nguồn: https://www.monre.gov.vn
- Hội thảo khoa học về khai thác, ứng dụng công nghệ vệ tinh (29/06/2023)
- Quản lý hành lang bờ biển bằng công nghệ viễn thám (29/06/2023)
- Ban hành Chiến lược phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam đến 2045 (13/04/2023)
- Xây dựng, vận hành Cổng thông tin không gian địa lý Việt Nam (13/04/2023)
- Tạo hành lang pháp lý về đo đạc và bản đồ (13/04/2023)
- Đo đạc, thành lập bản đồ chuyên ngành (13/04/2023)
- 15 nhiệm vụ ưu tiên để triên khai Chiến lược phát triển ngành đo đạc và bản đồ (13/04/2023)
- Ứng dụng viễn thám tại địa phương – Những tín hiệu tích cực (14/02/2023)
- Ứng dụng Big data - viễn thám trong giám sát ô nhiễm không khí (14/02/2023)
- Ứng dụng viễn thám trong quản lý tài nguyên nước (14/02/2023)