Cần kiện toàn Ban Chỉ đạo 33 nhằm tăng cường công tác khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam

15:25, Thứ Hai, 25-2-2019

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Ngày 26/3, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 33) về kết quả công tác năm 2014 và phương hướng công tác năm 2015 của Ban chỉ đạo 33.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Bùi Cách Tuyến phát biểu tại buổi họp
Trong năm 2014, công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học (CĐHH)/dioxin đã đạt được những thành tựu nhất định, đặc biệt trong công tác khắc phục, xử lý ô nhiễm tại 3 điểm nóng (3 sân bay quân sự cũ Biên Hòa, Phù Cát và Đà Nẵng). Bộ Quốc phòng đã cùng với Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) triển khai các dự án xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng và sân bay Biên Hòa và dùng nguồn kinh phí Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ thông qua Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Phù Cát. Các dự án này đã giảm thiểu khả năng ảnh hưởng của CĐHH/dioxin tới sức khỏe người dân và môi trường xung quanh.
Công tác hỗ trợ và chăm sóc nạn nhân chất độc da cam đã được điều chỉnh, nâng cao. Bộ Y tế đã triển khai kế hoạch điều trị và chăm sóc sức khỏe và chữa trị bệnh/tật, giải độc và phục hồi chức năng cho nạn nhân CĐHH/dioxin, tại ba tỉnh Thái Bình, Quảng Ngãi và Đồng Nai giai đoạn 2008-2013 và tiếp tục nhân rộng ở các tỉnh Lào Cai, Quảng Nam và Bến Tre giai đoạn 2014-2016. Bộ Y tế cũng tiếp tục tích cực trong xây dựng tiêu chí xác định nạn nhân CĐHH/dioxin.
Trên lĩnh vực hợp tác quốc tế và đấu tranh ngoại giao trong nghiên cứu khắc phục hậu quả chất độc hóa học cũng đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Việt Nam thường xuyên chủ động vận động Mỹ tiếp tục tăng ngân sách cho các hoạt động liên quan đến giải quyết hậu quả chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam, trong đó có việc đẩy nhanh tiến độ xử lý đất nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng, hoàn tất việc đánh giá mức độ nhiễm độc tại sân bay Biên Hòa và có kế hoạch tẩy độc, hỗ trợ người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam/dioxin theo tinh thần Tuyên bố chung giữa Tổng thống Mỹ và Chủ tịch nước Truơng Tấn Sang; Đồng thời đề nghị Chính phủ Mỹ khuyến khích các công ty tư nhân tham gia vào các dự án nhân đạo liên quan tại Việt Nam; phối hợp thúc đẩy các đoàn nghị sỹ và trợ lý nghị sỹ Quốc hội Mỹ vào Việt Nam thăm và tìm hiểu thực tế hậu quả nặng nề do chất độc da cam/dioxin gây ra đối với môi trường và con người Việt Nam. Kết quả thu được là năm 2014, phía Mỹ đã giải ngân 29 triệu USD từ ngân sách dành cho tẩy độc và chăm sóc y tế giai đoạn 2014-2016. Đồng thời, trong chuyến thăm Việt Nam năm 2014, cựu Tổng thống Clinton, Ngoại trưởng John Kerry đã cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực thúc đẩy giải quyết hậu quả chiến tranh đối với con người và môi trường ở Việt Nam. Ngày 16 tháng 12 năm 2014, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký thành lập Đạo luật hợp nhất và tiếp tục phân bổ ngân sách, 2015 (H.R.83) dành các quĩ cho việc giải quyết hậu quả da cam/dioxin ở Việt Nam.
Việt Nam cũng thực hiện chương trình nghiên cứu khoa học khắc phục hậu quả chất độc hóa học. Theo đó, đã có 13 đề tài nghiên cứu thuộc các lĩnh vực môi trường, y tế và chính sách xã hội được triển khai trong 3 năm (từ 8/2012 – 8/2015), các kết quả nghiên cứu ban đầu đạt được rất khả quan là cơ sở rất quan trọng trong việc đưa ra các giải pháp quản lý, khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin trong chiến tranh.
Mặc dù vậy, công tác khắc phục hậu quả CĐHH/dioxin vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế do những nguyên nhân chủ quan và khách quan như: ảnh hưởng của dioxin đối với sức khỏe con người còn nhiều vấn đề chưa rõ về mặt khoa học, khó khăn trong đánh giá toàn diện về những khu vực bị phun rải CĐHH/dioxin trên toàn miền Nam đã trở về ngưỡng an toàn hay chưa; tính phức tạp trong phân biệt tác động của dioxin với các tác nhân khác lên sức khỏe con người khiến cho việc xây dựng và ban hành Tiêu chí xác định nạn nhân tiến triển chậm,…
Toàn cảnh cuộc họp
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến cho rằng, nhằm thực hiện tốt việc tham mưu cho Chính phủ trong công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, cần kiện toàn Ban Chỉ đạo 33 để tăng cường hơn nữa vai trò chỉ đạo, phối hợp các hoạt động nghiên cứu và khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam giữa các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức có liên quan. Đồng thời, Thứ trưởng đề nghị Ban chỉ đạo tiếp tục có kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện các nội dung về điều tra đánh giá ô nhiễm tồn lưu, xử lý ô nhiễm tại điểm nóng, chăm sóc nạn nhân CĐHH/dioxin, xây dựng ngân hàng dữ liệu về CĐHH/dioxin, xây dựng khu chứng tích CĐHH/dioxin. Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng tiêu chí xác định nạn nhân chất độc da cam, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành để làm cơ sở khoa học và pháp lý để tổng điều tra số lượng nạn nhân trên toàn quốc, hỗ trợ cho việc xây dựng chế độ, chính sách cho nạn nhân, đấu tranh pháp lý, ngoại giao.

TrANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ TÀI NGUYÊN MÔI TRƯỜNG TỈNH BÌNH DƯƠNG

Trưởng Ban Biên tập: Nguyễn Ngọc Thúy - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường
Địa chỉ: Tầng 09 - Tháp A - Tòa nhà trung tâm Hành chính tỉnh, phường Hòa Phú, Thành phố Thủ Dầu Một
Điện thoại: 0274 3 828035 - Email: sotnmt@binhduong.gov.vn