Dự án “Xây dựng hệ thống thông tin phục vụ công tác quản lý tài nguyên và môi trường tỉnh Bình Dương”: Hiệu quả bước đầu

10:4, Thứ Năm, 23-5-2019

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Dự án “Xây dựng hệ thống thông tin phục vụ công tác quản lý tài nguyên và môi trường tỉnh Bình Dương” là chủ trương lớn của tỉnh, với mục tiêu xây dựng hệ thống thông tin đáp ứng được yêu cầu công tác quản lý nhà nước về đất đai nói riêng và cung cấp các dịch vụ công trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường (TN&MT) nói chung. Dự án được triển khai dài hạn để bảo đảm các điều kiện cần thiết cho việc lưu trữ, bảo quản, khai thác thông tin. Ngoài việc liên kết giữa các phân hệ đo đạc bản đồ, môi trường, địa chất khoáng sản, khí tượng thủy văn, tài nguyên nước... dự án còn có khả năng mở rộng, tương thích với các hệ thống thông tin địa lý khác.


Người dân làm thủ tục đất đai tại bộ phận “một cửa” của thị trấn Tân Thành, huyện Bắc Tân Uyên. 
Ảnh: DUY CHÍ

Đáp ứng yêu cầu công việc

Một trong các tiểu mục quan trọng của dự án là đào tạo nâng cao trình độ cán bộ địa phương về công nghệ thông tin nhằm phục vụ cho công tác chuyên môn hàng ngày và liên quan trực tiếp đến cơ sở dữ liệu đã xây dựng như: Thu thập, cập nhật, lưu trữ, cung cấp và khai thác thông tin TN&MT...

Đến nay, dự án đã cơ bản hoàn thành, sản phẩm được đưa vào vận hành, khai thác, sử dụng và hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh, trong đó có hệ thống trang thiết bị, máy móc hay còn gọi là phần “cứng” của dự án gồm: Trang bị thiết bị, máy móc cho nhân viên các phòng, đơn vị thuộc Sở TN&MT, công chức địa chính các xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Những thiết bị này, ngoài việc phục vụ cho việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn hàng ngày còn phục vụ công tác quản lý, lưu trữ và khai thác cơ sở dữ liệu. Các thiết bị đã được đầu tư gồm máy chủ, máy trạm, ổ cứng, bộ lưu điện, máy scan, switch...

Với việc trang bị các phần mềm có bản quyền của những hãng công nghệ uy tín như Microsoft, Esri... làm tiền đề để quản lý và xây dựng các ứng dụng phù hợp với nhu cầu sử dụng của tỉnh. Kết quả đã xây dựng được phần mềm ViLIS với hơn 200 chức năng, được nhân viên các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai thao tác trực tiếp hàng ngày, phục vụ việc thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân...

Bảo đảm hiệu quả hoạt động

Dự án đã trang bị cho các phòng, đơn vị thuộc Sở TN&MT, văn phòng đăng ký đất đai và 9 chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai trong tỉnh đầy đủ, đồng bộ các thiết bị, hệ thống mạng như: Modem, Switch, mạng VPN-Firewall, hệ thống chống sét... kết hợp với sử dụng mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng và Nhà nước, tốc độ đường truyền khoảng từ 12Mbps đến 64Mbps để khai thác, vận hành hiệu quả cơ sở dữ liệu đã xây dựng.

Năm 2017, Sở TN&MT tỉnh Bình Dương được xếp hạng đứng đầu về mức độ ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành TN&MT do Bộ TN&MT bình chọn; đứng thứ 2 trong 20 sở, ban, ngành trong tỉnh về kết quả thực hiện Chỉ số cải cách hành chính...

Một thành viên Ban quản lý dự án này cho biết Bình Dương là một trong những tỉnh đầu tiên tổ chức thực hiện, xây dựng đồng bộ cơ sở dữ liệu địa chính tập trung cho 91 xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Thành phần, cấu trúc dữ liệu được xây dựng đúng theo các quy định hiện hành của Bộ TN&MT, trong đó dữ liệu thuộc tính địa chính đã xây dựng được cho 448.601 thửa đất, nhập 11.235.827 trường chữ, 8.039.089 trường số. Dữ liệu không gian được xây dựng khép kín cho toàn tỉnh (khoảng 961.784 thửa đất), trong đó có 779.893 thửa đất đã hoàn thiện theo quy định; đã scan, biên tập, chỉnh sửa, hoàn thiện và cập nhật vào cơ sở dữ liệu được 284.333 hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên tổng số khoảng 437.435 hồ sơ của toàn tỉnh.

Ngoài ra, dự án đã cập nhật, chỉnh lý và đưa vào vận hành một bộ bản đồ địa chính dùng chung duy nhất trên toàn tỉnh. Văn phòng đăng ký đất đai, công chức địa chính các xã, phường, thị trấn trong tỉnh khai thác, cập nhật các biến động trên nền bộ bản đồ duy nhất này nhằm bảo đảm tính thống nhất, tính kịp thời của các biến động đất đai, tránh việc trùng thửa...

Song song với việc đầu tư trang thiết bị phần cứng, phần mềm, hạ tầng và xây dựng cơ sở dữ liệu, công tác đào tạo, hướng dẫn và chuyển giao công nghệ được Ban Giám đốc Sở TN&MT quan tâm, chỉ đạo và đưa ra nhiều giải pháp để thực hiện như: Cử cán bộ đi tập huấn, tham gia các cuộc hội thảo chuyển giao công nghệ; tạo các nhóm trao đổi nghiệp vụ bằng phần mềm Zalo, phần mềm TeamViewer; tổ chức nhiều đợt công tác trực tiếp đến chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai để kiểm tra, hướng dẫn cũng như giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc trong quá trình tác nghiệp...

Hiện đại hóa quản lý TN&MT

Theo đánh giá, những kết quả đạt được của Dự án “Xây dựng hệ thống thông tin phục vụ công tác quản lý TN&MT tỉnh Bình Dương” là nền tảng để tỉnh tiến tới xây dựng hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu đất đai, góp phần tích cực vào công cuộc hiện đại hóa ngành TN&MT. Qua đó giúp tỉnh đẩy nhanh công cuộc cải cách, tinh giảm thủ tục hành chính; phục vụ đắc lực, hiệu quả công tác kê khai, đăng ký và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; cung cấp thông tin, dịch vụ hành chính công trực tuyến phục vụ cá nhân và tổ chức ở nhiều mức độ khác nhau.

Kết quả có được từ dự án làm cho các hoạt động của ngành TN&MT tỉnh ngày càng minh bạch, tiết kiệm, hiệu lực, hiệu quả; tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc tìm kiếm, tra cứu thông tin cũng như tiếp cận các dịnh vụ công và phục vụ các nhiệm vụ chuyên môn khác của ngành TN&MT. Sản phẩm của dự án, ngoài việc đáp ứng yêu cầu công tác chuyên ngành còn phục vụ nhu cầu ứng dụng của các hệ thống thông tin địa lý khác đang thực hiện trên địa bàn tỉnh; đáp ứng nhu cầu chia sẻ thông tin cho các sở, ban, ngành có liên quan. Sản phẩm của dự án đã chia sẻ, cung cấp thông tin cho Đề án xây dựng thành phố thông minh Bình Dương.

Đến nay, dự án đã hình thành một hệ thống cơ sở dữ liệu thống nhất, tập trung, đồng bộ và hoàn chỉnh để đưa vào quản lý, khai thác và sử dụng theo quy định. Công tác cập nhật, chỉnh lý biến động hồ sơ địa chính được Ban Giám đốc Sở TN&MT quan tâm, chỉ đạo thường xuyên, dẫn đến cơ sở dữ liệu ngày càng hoàn chỉnh, chính xác, các biến động đất đai được cập nhật thường xuyên, liên tục vào cơ sở dữ liệu. Qua đó giúp cho việc tra cứu, báo cáo số liệu, cung cấp thông tin được thuận lợi, nhanh chóng, chính xác và hiệu quả hơn; hỗ trợ tốt hơn, hiệu quả hơn, đắc lực hơn cho công tác thanh tra, kiểm tra, khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai... trên địa bàn tỉnh.

Kết quả trên đã mang lại sự hài lòng và niềm tin trong nhân dân, cũng là phần thưởng quý giá cho những nỗ lực hiện đại hóa của ngành TN&MT cũng như của tỉnh Bình Dương.

Nhờ sớm xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính, Bình Dương là 1 trong 5 tỉnh, thành phố đầu tiên trong cả nước triển khai, ứng dụng liên thông thuế theo hình thức điện tử giữa cơ quan thuế và cơ quan đăng ký đất đai. Đến nay, thực hiện giải pháp này, cơ quan chức năng của tỉnh đã thực hiện chuyển được khoảng 206.242 phiếu chuyển điện tử và nhận lại được 192.215 thông báo thuế điện tử. Nhờ đó đã góp phần giảm thời gian thực hiện, thời gian chờ đợi của người dân và doanh nghiệp; công tác luân chuyển hồ sơ giữa hai cơ quan được thuận lợi hơn, tiết kiệm thời gian và nhân lực so với việc luân chuyển hồ sơ giấy như trước đây, từ đó hạn chế trường hợp thất lạc, mất mát hồ sơ, rút ngắn thời gian thực hiện từ 1 - 3 ngày làm việc (quy định là 5 ngày làm việc).

Nguồn: http://baobinhduong.vn/

Các tin khác

TrANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ TÀI NGUYÊN MÔI TRƯỜNG TỈNH BÌNH DƯƠNG

Trưởng Ban Biên tập: Nguyễn Ngọc Thúy - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường
Địa chỉ: Tầng 09 - Tháp A - Tòa nhà trung tâm Hành chính tỉnh, phường Hòa Phú, Thành phố Thủ Dầu Một
Điện thoại: 0274 3 828035 - Email: sotnmt@binhduong.gov.vn