CÔNG DÂN CÓ QUYỀN GIÁM SÁT ĐỐI VỚI VIỆC QUẢN LÝ, SỬ DỤNG ĐẤT ĐAI

8:10, Thứ Hai, 13-5-2019

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Luật Đất đai năm 2013 quy định theo hướng tăng cường hơn sự theo dõi, giám sát, đánh giá của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và nhân dân về việc quản lý và sử dụng đất đai. Theo đó, Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận thực hiện quyền giám sát về quản lý và sử dụng đất đai theo quy định của Hiến pháp, Luật về hoạt động giám sát của Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

 

Đặc biệt, Luật đã quy định cụ thể về nội dung, hình thức giám sát của công dân, trách nhiệm của các tổ chức đại diện của công dân, trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi nhận được ý kiến của công dân và các tổ chức đại diện (Điều 199 Luật Đất đai). Cụ thể:

1. Về hình thức giám sát

Công dân có quyền tự mình hoặc thông qua các tổ chức đại diện phản ánh các sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai đến các cơ quan có thẩm quyền.

2. Về nguyên tắc giám sát

Việc giám sát và phản ánh phải bảo đảm khách quan, trung thực, đúng pháp luật; không được lợi dụng quyền giám sát để khiếu nại, tố cáo không đúng quy định của pháp luật, làm mất trật tự xã hội; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác các thông tin do mình phản ánh.

3. Về nội dung giám sát

- Việc lập, điều chỉnh, công bố, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;

- Việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất;

- Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư;

- Việc đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;

- Việc thu, miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế liên quan đến đất đai; định giá đất;

- Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.

4. Về hình thức giám sát

- Trực tiếp thực hiện quyền giám sát thông qua việc phản ánh, gửi đơn kiến nghị đến các cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết;

- Gửi đơn kiến nghị đến các tổ chức đại diện được pháp luật công nhận để các tổ chức này thực hiện việc giám sát.

5.  Về trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi nhận được ý kiến của công dân và tổ chức đại diện cho người dân

- Kiểm tra, xử lý, trả lời bằng văn bản theo thẩm quyền;

- Chuyển đơn đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để giải quyết trong trường hợp không thuộc thẩm quyền;

- Thông báo kết quả cho tổ chức, cá nhân đã phản ánh”.

Như vậy, có thể thấy nội dung giám sát của công dân khá bao quát các hoạt động quản lý của Nhà nước, tạo điều kiện cho công dân có thể kịp thời phát hiện, phản ánh về tình trạng quản lý và sử dụng đất đai. Tuy nhiên, trên thực tế việc giám sát theo cả hai hình thức nêu trên còn nhiều hạn chế. công dân còn chưa thực sự ý thức được rõ quyền giám sát của mình với đất đai. Do đó, hy vọng trong thời gian tới công dân sẽ phát huy tốt hơn nữa việc thực hiện quyền giám sát thông qua việc phản ánh, gửi đơn kiến nghị đến các cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết nhằm góp phần quan trọng trong việc hạn chế tình trạng quan liêu, tiêu cực, nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, bảo vệ quỹ đất do Nhà nước quản lý trước những hành vi vi phạm pháp luật về đất đai.

Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã lập đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai của người dân và doanh nghiệp thông qua số điện thoại đường dây nóng và hộp thư điện tử: duongdaynongtnmt@binhduong.gov.vn. Mọi thông tin cụ thể được nêu tại địa chỉ http://stnmt.binhduong.gov.vn/3cms/duong-day-nong.htm.

Các tin khác

TrANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ TÀI NGUYÊN MÔI TRƯỜNG TỈNH BÌNH DƯƠNG

Trưởng Ban Biên tập: Nguyễn Ngọc Thúy - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường
Địa chỉ: Tầng 09 - Tháp A - Tòa nhà trung tâm Hành chính tỉnh, phường Hòa Phú, Thành phố Thủ Dầu Một
Điện thoại: 0274 3 828035 - Email: sotnmt@binhduong.gov.vn